Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Xã Đông Minh  - Huyện Đông Sơn - Tỉnh Thanh Hóa

Vài nét chấm phá về Làng Vân Đô - Xã Đông Minh

Đăng lúc: 10:29:46 28/03/2017 (GMT+7)
100%
Print

Vài nét chấm phá về Làng Vân Đô - Xã Đông Minh

 VÀI NÉT SƠ LƯỢC VỀ LÀNG VÂN ĐÔ

                                                        Trịnh Duy Tuân

Làng Vân Đô thân yêu của chúng ta đã có trên 1400 năm tuổi. Trong hơn 1400 năm ấy, biết bao lần vật đổi sao dời nhưng cái tên Vân Đô vẫn mãi mãi được lưu truyền, nhiều sự tích đã được lưu giữ cho muôn đời sau...



FB_IMG_1490669923893 (1).jpg

Vào cuối thế kỉ thứ VI, nước ta là thuộc địa của ngoại xâm phương Bắc, dưới quyền cai trị của nhà Tùy (Trung Quốc). Vùng đất này lúc bấy giờ thuộc quận Cửu Chân, do ông Lê Ngọc đứng đầu. Quận trị đóng ở Đông Phố, là làng Đồng Pho, xã Đông Hòa ngày nay. Khi nhà Đường cướp ngôi nhà Tùy, ở Việt Nam, ông Lê Ngọc lên ngôi hoàng đế, lấy Đông Phố làm kinh đô (tức thủ đô), tập hợp nhân dân đứng lên chống bọn xâm lược.

Thời bấy giờ, đất làng ta vốn là một vùng đầm lầy xen lẫn những cồn bãi. Nước ngập mênh mông. Cây cối um tùm, hoang vu. Đầy những chim chóc, trăn rắn và dã thú. Với con mắt tinh tường của một người thông thạo địa lý, phong thủy, ông Lê Ngọc đã nhận ra đây là một vùng địa linh (vùng đất thiêng). Vì vậy, ông đã phái người hầu trà của mình đến khai phá nhằm mở rộng địa bàn để lập kinh đô, tính kế lâu dài chống nhà Đường. Làng Vân Đô ra đời trong hoàn cảnh đó.

Nhớ ơn người bổ nhát cuốc đầu tiên lập làng, nhân dân làng ta từ hơn 1400 năm nay đã tôn vị hầu trà của ông Lê Ngọc làm Thành Hoàng, thờ tại đình làng, đời đời hương khói. Xét công trạng của ông, triều đại phong kiến Việt Nam ban sắc ca ngợi : “Linh Quang Long Ứng Chính Trung Đoan Vinh Mậu Ấm Tú Ngực” Nghĩa là  Một con người phi thường ; có chí khí khác người ; ngay thẳng ; luôn che chở cho mọi người ; dốc lòng làm tròn bổn phận ; dựng nên sự nghiệp hưng thịnh xứng đáng được lưu danh ở đời”. Và thăng ông lên hàng Trung Đẳng Thần.

Kế tục sự nghiệp của các vị tiền bối, hơn 1400 lớp người làng Vân Đô đã vượt qua muôn vàn khó khăn để cải tạo một vùng cồn bãi, đầm lầy thành các cánh đồng bằng phẳng, màu mỡ như ngày hôm nay.

Không ai còn nhớ những những dòng họ nào đến đây buổi đầu tiên khai thiên lập địa. Chỉ biết một cách chắn chắn rằng, chín dòng họ tồn tại lâu đời nhất ở Vân Đô là họ Thiều Văn, Trịnh Duy, Lê Văn, Lê Bá, Nguyễn Văn, Đoàn Văn, Lê Kim, Lê Trần và Lê Xuân. Trong số các họ trên, có họ thuộc dòng tôn thất nhà Hậu Lê, có họ là họ ngoại của nhà vua, thuộc hàng Công thần Bình Ngô Khai Quốc thời Lê Sơ. Mỗi dòng họ có lịch sử riêng, có con đường đến tụ cư tại Vân Đô khác nhau nhưng tất cả đều đã được mảnh này cưu mang, nuôi dưỡng, tất cả đều chung lòng chung sức tạo nên một làng Vân Đô với nhiều thuần phong mỹ tục, nhiều nét truyền thống tốt đẹp  lưu truyền hậu thế.

Yêu nước, yêu làng, có tinh thần quật khởi mạnh mẽ là một nét nổi bật. Ngay từ khi lập làng, mảnh đất này đã trở thành trại huấn luyện quân sự lớn của quân ta đồng thời là căn cứ địa vững chắc của kinh đô Đông Phố, tuyến bảo vệ trong cùng của cung vua đặt tại làng Trường Xuân xã Đông Ninh. Trong hàng ngũ binh lính ấy, người dân Vân Đô trở thành những ưu binh trung thành và quả cảm của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Cuối thế kỉ XIX, theo ngọn cờ Cần Vương, nhân dân Thanh Hóa khắp nơi nổi dậy. Trai tráng làng ta theo ông Đội Sơ (ông Trịnh Duy Sơ) gia nhập vào đội quân của Trần Xuân Soạn chống Pháp tại Thanh Hóa và làm nên trang sử bi tráng ngay trên mảnh đất làng Vân Đô. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lớp lớp thanh niên Vân Đô lên đường dánh giặc. Không ít người có mặt trong cả hai cuộc kháng chiến. Nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường (... liệt sĩ) hoặc để lại một phần xương máu cho non sông hôm nay tươi đẹp. Những người không ra chiến trường, ở lại  quê hương thật sự là  hậu phương vững chắc cho người đi chiến trận. Các phong trào thi đua Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người ; Hậu phương thi đua với tiền phương ; bán lợn, gà chống Mĩ v.v.. làng ta luôn luôn đứng  đầu so với các làng khác trong xã.

Là một làng có truyền thống hiếu học, dưới thời phong kiến, nhiều bậc túc Nho thi đỗ nhưng không tham gia triều chính mà mở trường  dạy học cho con em nhân dân trong làng, trong vùng. Có gia đình đã năm, sáu đời làm nghề dạy học. Nhiều người làm nghề thuốc chữa bệnh cho nhân dân, nổi tiếng một thời.

Trong những năm dưới chế độ mới, sự học của làng ta được đặc biệt coi trọng. Số người lập thân, thành đạt từ học hành, thi cử nhiều nhất xã và cũng là nhiều nhất so với các làng khác trong vùng lân cận. Một làng nhỏ như làng ta, chưa bao giờ có số nhân khẩu vượt trên con số một nghìn rưỡi mà có tới 4 tiến sĩ. Tốt nghiệp đại học có trên 100 người. Như vậy, cứ khoảng 15 người thì có 1 người học đại học. Con số ấy đã nói lên biết bao nhiêu điều về sự học, về trình độ, về chí tiến thủ của người làng Vân Đô ta !

Hơn 1400 năm qua, các thế hệ kế tiếp nhau đã tạo dựng nên một văn hóa làng hết sức quí báu, mang bản sắc Vân Đô, trong đó nổi bật lên hình ảnh con người : Khí khái, quật cường, khinh tài trọng nghĩa ; Kiệm cần, hiếu học, nền nếp gia phong.

Cùng với đất nước, hơn nửa thế kỉ nay, làng ta đã trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ. Trí tuệ, sức lực, tiền của giành cho công cuộc vĩ đại ấy đã khiến việc xây dựng quê hương bị chậm lại. Đã vậy, thời gian lại làm mất đi những kiến trúc đặc sắc của làng như đình, chùa, văn chỉ, võ chỉ .. ; làm mai một không ít những nét đẹp truyền thống của làng ta.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta phải biết phát huy những mặt mạnh của truyền thống quê hương. Những gì của quá khứ không phù hợp, không có lợi cho cuộc sống hôm nay thì phải từ bỏ. Những gì có giá trị muôn đời thì phải cương quyết bảo vệ, gìn giữ và phát huy. Trách nhiệm ấy thuộc về mỗi một người con Vân Đô. Ai cũng phải gánh một phần trách nhiệm nặng nhẹ như nhau.

Hãy phát huy truyền thống quê hương, khắc ghi công lao của hơn 1400 thế hệ đi trước đã tạo dựng nên mảnh đất làng này, mỗi người dân làng Vân Đô cần thấu hiểu hơn và có hành động thiết thực hơn để xây dựng một làng Vân Đô trong thời kì hiện đại đúng với tầm vóc vốn có của làng ta trong vùng, trong huyện./.

                                                                  Vân Đô, tháng 4 năm 2009

 

 

Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
567333

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289