Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Xã Đông Minh  - Huyện Đông Sơn - Tỉnh Thanh Hóa

Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo và người giải quyết tố cáo

Đăng lúc: 00:00:00 07/03/2021 (GMT+7)
100%
Print

NỘI DUNG PHÁT THANH TUYÊN TRUYỀN VỀ PHÁP LUẬT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

 

BÀI 5

Thưa quý vị và các bạn! Trong các chương trình phát thanh lần trước, chúng tôi đã hoàn thành việc giới thiệu với quý vị và các bạn nội dung Phần I: Pháp luật về khiếu nại. Hôm nay, chúng tôi tiếp tục giới thiệu với quý vị và các bạn Phần II: Pháp luật về tố cáo. Nội dung Phần II bao gồm những vấn đề sau: Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo; người bị tố cáo; người giải quyết tố cáo. Tố cáo và hình thức tố cáo. Sau đây là nội dung chương trình:

Bài 1: Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo và người giải quyết tố cáo

1. Khái niệm Tố cáo Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cáo cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cán nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. (Điều 2) Việc tố cáo của công dân phải tuân theo thủ tục được quy định của Luật Tố cáo năm 2011, theo đó, ghi nhận hình thức tố cáo trực tiếp và gửi đơn tố cáo, đồng thời quy định rõ đơn tố cáo phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo; trường hợp tố cáo trực tiếp thì người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào bản ghi nội dung tố cáo; trường hợp nhiều người cùng tố cáo thì trong đơn phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, chữ ký hoặc điểm chỉ của từng người tố cáo và phải cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết tố cáo.

 2. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo (Điều 9 Luật tố cáo) Việc quy định quyền và nghĩa vụ của người tố cáo của pháp luật hiện hành dựa trên nguyên tắc khuyến khích và tạo điều kiện để công dân thực hiện quyền tố cáo một cách đầy đủ và đúng đắn, đồng thời công dân cũng phải có trách nhiệm về việc tố cáo của mình. Luật Tố cáo quy định về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo như sau:

+ Người tố cáo có các quyền sau:

Người tố cáo có quyền gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

Được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác của mình;

Yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thông báo về việc thụ lý giải quyết tố cáo, thông báo chuyển vụ việc tố cáo sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thông báo kết quả giải quyết tố cáo;

Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trù dập, trả thù;

Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết và được khen thưởng theo quy định của pháp luật;

+ Người tố cáo có các nghĩa vụ sau:

 Bên cạnh việc thực hiện các quy định về quyền của mình thì người tố cáo cũng có nghĩa vụ phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình; trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình và có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.

3. Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo Điều 10 Luật Tố cáo năm 2011quy định người bị tố cáo có những quyền quan trọng giúp họ tự bảo vệ mình trước những thông tin có hại từ việc tố cáo không chính xác, cố tình bịa đặt, vu không, bôi nhọ:

Được nhận thông báo về nội dung tố cáo;

Được đưa ra chứng cứ để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật;

Được nhận thông báo kết luận nội dung tố cáo;

Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật và cố ý tố cáo sai sự thật, trái pháp luật;

Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm;

Được xin lỗi, cải chính công khai, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra;

Ngoài những quyền trên, người bị tố cáo có các nghĩa vụ như sau:

Giải trình bằng văn bản về hành vi bị tố cáo; cung cấp cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu;

Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền;

Bồi thường, bồi hoàn thiệt hại do hành vi trái pháp luật của mình gây ra. Đây là cơ sở để cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đánh giá được mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi bị tố cáo, thái độ tự giác và nhận thức về hành vi sai trái của người bị tố cáo để từ đó có biện pháp thích hợp, nhằm tạo điều kiện để họ có thể sửa chữa hành vi sai trái của mình. Khi có kết luận nội dung tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, người bị tố cáo phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử lý tố cáo.

4. Quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo Điều 11 Luật Tố cáo năm 2011 quy định về quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo. Theo đó, người giải quyết tố cáo có các quyền:

Yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo;

Yêu cầu người bị tố cáo giải trình bằng văn bản về hành vi bị tố cáo;

 Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo;

Tiến hành các biện pháp kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật; áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật;

Kết luận về nội dung tố cáo; quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

 Bên cạnh đó, người giải quyết tố cáo còn có nghĩa vụ:

Bảo đảm khách quan, trung thực, đúng pháp luật trong việc giải quyết tố cáo;

Áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp để bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo, người cung cấp thông tin liên quan đến việc tố cáo;

Không tiết lộ thông tin gây bất lợi cho người bị tố cáo khi chưa có kết luận về nội dung tố cáo;

Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết tố cáo;

Bồi thường, bồi hoàn thiệt hại do hành vi giải quyết tố cáo trái pháp luật của mình gây ra.

 


Thưa quý vị và các bạn! Trong phần trước chúng tôi đã giới thiệu khái niệm về tố cáo, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan đến tố cáo. Hôm nay, chúng tôi tiếp tục giới thiệu với các bạn về thẩm quyền giải quyết tố cáo. Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi.

Bài 2: Thẩm quyền giải quyết tố cáo

Việc quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo có ý nghĩa quan trọng, làm cơ sở để các cơ quan có liên quan tiếp nhận, xác minh và xử lý tố cáo đúng pháp luật. Thẩm quyền giải quyết tố cáo đã được xác định theo đối tượng có hành vi vi phạm, nội dung vi phạm, từ đó xác định cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.Thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức đã được quy định rất cụ thể, bao gồm thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tư pháp, cơ quan nhà nước khác cũng như trong đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội cụ thể như sau:

I. Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ

1.Về nguyên tắc xác định thẩm quyền: Luật tố cáo quy định nguyên tắc chung về xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, cụ thể:

- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết;

- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết;

- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức bị tố cáo phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan giải quyết;

 - Đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức có dấu hiệu tội phạm do cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;

Như vậy, nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo được áp dụng khi có hai điều kiện:

- Người bị tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức;

- Hành vi bị tố cáo vi phạm quy định, nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức;

2. Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước (Điều 13 Luật tố cáo)

a) Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp;

 b) Chủ tịch ủy ban nhân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân cấp xã, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện và cán bộ, công chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;

c) Người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn trực thuộc cơ quan mình và cán bộ, công chức do mình bổ nhiệm,  quản lý trực tiếp;

d) Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cán bộ, công chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;

đ) Tổng cục trưởng, cục trưởng và cấp tương đương được phân cấp quản lý cán bộ, công chức có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị thuộc tổng cục, cục và cấp tương đương, cán bộ, công chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;

e) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc bộ, thuộc cơ quan ngang bộ và cán bộ, công chức do mình bổ nhiệm quản lý trực tiếp;

f) Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ của bộ trưởng, thứ trưởng, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cán bộ, công chức do mình bổ nhiệm quản lý trực tiếp.

3. Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức trong cơ quan khác của nhà nước (Điều 14 Luật tố cáo)

a) Chánh án tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp có thẩm quyền: giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức do mình quản lý trực tiếp; giải quyết tố hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của chánh án, phó chánh án tòa án, viện 26 trưởng, phó viện trưởng viện kiểm sát cấp dưới;

b) Tổng Kiểm toán Nhà nước có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của kiểm toán trưởng, phó kiểm toán trưởng kiểm toán nhà nước chuyên ngành, kiểm toán nhà nước khu vực và công chức do mình bổ nhiệm quản lý trực tiếp; kiểm toán nhà nước chuyên ngành, kiêm toán nhà nước khu vực có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;

c) Người đứng đầu cơ quan khác của nhà nước có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;

d) Cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với cán bộ là đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ do mình quản lý;

4. Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập(Điều 15 Luật tố cáo)

 a) Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của viên chức do mình tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;

b) Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của viên chức quản lý do mình bổ nhiệm.

5. Người đứng đầu cơ quan tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý trực tiếp.

6. Đối với người không phải là cán bộ, công chức, viên chức, nhưng được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ, nếu họ vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp họ  có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người đó.

II. Thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực

 Nhằm giúp công dân tố cáo hành vi vi phạm pháp luật tới đúng cơ quan có thẩm quyền, hạn chế trường hợp đơn thư tố cáo vòng vo, hiệu quả giải quyết thấp. Điều 31 Luật tố cáo quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực như sau:

- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật trong các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý được giao, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

- Tố cáo có nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của nhiều cơ quan thì các cơ quan có trách nhiệm phối hợp để xác định thẩm quyền giải quyết hoặc báo cáo cơ quan chủ trì giải quyết; tố cáo có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan thì cơ quan thụ lý đầu tiên có thẩm quyền giải quyết;

- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm do cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Bài 3: Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo Luật tố cáo năm 2011 đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo phù hợp với tính chất, đặc điểm và yêu cầu của việc giải quyết đối với từng loại tố cáo như: tiếp nhận xử lý thông tin tố cáo; xác minh nội dung tố cáo; kết luận nội dung tố cáo, xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo; việc công khai kết luận nội dung tố cáo, cụ thể như sau:

 1. Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ

a) Về tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo. Việc tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được thực hiện như đối với tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo hành vi phạm pháp luật của cán bộ công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, trừ trường hợp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay. Đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay thì việc giải quyết tố cáo được thực hiện theo trình tự: người có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo; trường hợp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực mà mình quản lý, người tiếp nhận tố cáo phải trực tiếp tiến hành hoặc báo cáo người có thẩm quyền giải quyết tố cáo tiến hành ngay việc xác minh nội dung tố cáo, áp dụng các biện pháp cần thiết để đình chỉ hành vi vi phạm và kịp thời lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật (nếu có); việc xác minh, kiểm tra thông tin về người tố cáo được thực hiện trong trường hợp người giải quyết tố cáo thấy cần thiết cho quá trình xử lý hành vi bị tố cáo.

- Khi nhận được tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm phân loại và xử lý như sau: Nếu tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 10 ngày phải kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ của người tố cáo và quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý; trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn có thể dài hơn nhưng không quá 15 ngày. Nếu tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo người tiếp nhận phải chuyển đơn tố cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận phải hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với 29 cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết (khoản 1 Điều 20);

- Luật Tố cáo quy định việc tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được thực hiện như đối với tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, trừ trường hợp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay thì thực hiện theo quy định tại Điều 32;

- Người có thẩm quyền không thụ lý giải quyết tố cáo trong các trường hợp sau: Tố cáo về vụ việc đã được người đó giải quyết mà người tố cáo không cung cấp thông tin, tình tiết mới; Tố cáo về vụ việc mà nội dung và những thông tin tố cáo cung cấp không có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật; Tố cáo về vụ việc mà người có thẩm quyền giải quyết tố cáo không đủ điều kiện kiểm tra, xác minh về hành vi vi phạm, người vi phạm pháp luật (khoản 2 Điều 20).

b) Về xác minh nội dung tố cáo

- Xác minh nội dung tố cáo là khâu quan trọng trong quá trình giải quyết tố cáo, kết quả xác minh có ý nghĩa quyết định đến kết luận về nội dung tố cáo và tính đúng đắn của quyết định xử lý tố cáo của người có thẩm quyền. Luật Tố cáo quy định cụ thể về xác minh nội dung tố cáo như sau: người có thẩm quyền giải quyết tố cáo tiến hành xác minh hoặc giao cho cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xác minh nội dung tố cáo (khoản 1 Điều 22). Như vậy, tùy vào tính chất, đặc điểm, nội dung vụ việc mà người có thẩm quyền giải quyết tố cáo quyết định giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nào trách nhiệm xác minh nội dung tố cáo trong mọi trường hợp, việc giao trách nhiệm xác minh phải thể hiện có trách nhiệm xác minh bằng văn bản, trong đó có các nội dung: ngày, tháng, năm giao xác minh; tên, địa chỉ của người bị tố cáo; người được giao xác 30 minh; nội dung cần xác minh; thời gian tiến hành xác minh. Luật tố cáo quy định người xác minh nội dung tố cáo có quyền: yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo; yêu cầu người bị tố cáo giải trình bằng văn bản về hành vi bị tố cáo; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên đến nội dung tố cáo, tiến hành các biện pháp kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật, áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh các quyền đó, người xác minh nội dung tố cáo phải có nghĩa vụ: Bảo đảm khách quan, trung thực, đúng pháp luật trong việc xác minh tố cáo; áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp để bảo vệ người tố cáo; không tiết lộ thông tin gây bất lợi cho người bị tố cáo khi chưa có kết luận về nội dung tố cáo, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết tố cáo, bồi thường, bồi hoàn thiệt hại do hành vi xác minh nội dung tố cáo trái pháp luật của mình gây ra. Người xác minh nội dung tố cáo phải được tiến hành các biện pháp cần thiết để thu thập thông tin, tài liệu, làm rõ nội dung tố cáo. Thông tin, tài liệu thu thập phải được ghi chép thành văn bản (hoặc biên bản); trong quá trình xác minh, người xác minh nội dung tố cáo phải tạo điều kiện để người bị tố cáo giải trình, đưa ra các chứng cứ để chứng minh tính đúng, sai của nội dung tố cáo cần xác minh.

c) Kết luận nội dung tố cáo Kết luận nội dung tố cáo là một thủ tục rất quan trọng trong quá trình giải quyết tố cáo. Luật Tố cáo quy định: Căn cứ vào nội dung tố cáo, văn bản giải trình của người bị tố cáo, kết quả xác minh nội dung tố cáo, các tài liệu, bằng chứng có liên quan, người xác minh nội dung tố cáo phải kết luận bằng văn bản về nội dung tố cáo. Trong trường hợp người có thẩm quyền giải quyết tố cáo tự mình tiến hành việc xác minh thì kết luận nội dung tố cáo và quyết định xử lý theo thẩm quyền; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý;  Theo quy định Điều 24 Luật tố cáo, nội dung của kết luận nội dung tố cáo gồm: kết quả xác minh nội dung tố cáo; kết luận việc tố cáo đúng, đúng một phần hoặc sai; xác định trách nhiệm của từng cá nhân về những nội dung tố cáo đúng hoặc đúng một phần; các biện pháp xử lý theo thẩm quyền; kiến nghị biện pháp xử lý với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Sau khi kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo phải gửi kết luận cho người bị tố cáo, cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan cấp trên trực tiếp.

d) Xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo: Điều 25 Luật tố cáo quy định sau khi có kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo tiến hành xử lý như sau: Trường hợp kết luận người bị tố cáo không vi phạm các quy định pháp luật thì thông báo bằng văn bản cho người bị tố cáo, cơ quan quản lý người bị tố cáo biết, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo bị xâm phạm do việc tố cáo không đúng sự thật gây ra, đồng thời xử lý hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật; Trường hợp kết luận người bị tố cáo vi phạm các quy định trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; Trường hợp hành vi vi phạm của người bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.

đ) Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo: Nhằm tăng cường tính minh bạch trong giải quyết tố cáo, tạo cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước và của nhân dân, góp phần phòng, chống vi phạm pháp luật; Luật Tố cáo đã quy định về công khai nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo. Theo đó: người giải quyết tố cáo có trách nhiệm công khai kết luận nội dung tố cáo, đã quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo bằng các hình thức: công bố tại cuộc  họp của tổ chức nơi người bị tố cáo công tác; niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết tố cáo, thời hạn giải quyết tố cáo; quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Việc công khai này phải bảo đảm không tiết lộ thông tin về người tố cáo và những nội dung thuộc bí mật nhà nước.

2. Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực Về nguyên tắc trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo trong lĩnh vực này cũng được thực hiện theo các bước như trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ. Tuy nhiên, đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay thì việc thì việc giải quyết tố cáo được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn (Điều 33) cụ thể như sau:

a) Người có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo;

 b) Trường hợp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực mà mình quản lý, người tiếp nhận tố cáo phải trực tiếp tiến hành hoặc báo cáo người có thẩm quyền giải quyết tố cáo tiến hành ngay hoặc việc xác minh nội dung tố cáo, áp dụng biện pháp cần thiết để đình chỉ hành vi vi phạm và kịp thời lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật (nếu có); việc xác minh, kiểm tra thông tin về tố cáo được thực hiện trong trường hợp người giải quyết tố cáo thấy cần thiết cho quá trình xử lý hành vi bị tố cáo;

c) Người giải quyết tố cáo ra quyết định xử lý hành vi vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

DUYỆT PHÁT THANH

Yêu cầu cán bộ phụ trách đài truyền thanh xã phát bài tuyên truyền từ ngày 15/7/2020 đến 16/8/2020 vào các ngày thứ 3,5 hàng tuần

CHỦ TỊCH

 

 

Lê Trọng Trung

  
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
567333

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289