Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Xã Đông Minh  - Huyện Đông Sơn - Tỉnh Thanh Hóa
  

 20170412_144258-1.jpg

* Đôi nét khái quát về truyền thống lịch sử - văn hóa của đất và người Đông Minh

          Đông Minh là một xã thuần nông nằm cách trung tâm huyện Đông Sơn 5 km về phía tây. Phía Đông giáp xã Đông Anh, Đông Thịnh, Đông Yên; phía Nam giáp xã Đông Hòa; Phía Tây giáp xã Đông Ninh; phía Bắc giáp xã Đông Khê. Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 413 ha. Xã có tất cả 3 làng truyền thống gồm 9 thôn với 4718 nhân khẩu.

Trong lịch sử dân tộc, xã Đông Minh ngày nay nằm trong vùng địa danh Đông Sơn, cái tên ấy đã trở thành tên gọi của một nền văn hóa rực rỡ - văn hóa Đông Sơn- với những trống đồng nổi tiếng, sản phẩm của nền văn minh người Việt Cổ.

Trong lịch sử Thanh Hóa, mảnh đất địa lý Đông Minh thời xưa gắn liền với quận trị Cửu Chân, với kinh đô Đông Phố, trung tâm của cuộc chiến đấu chống lại nhà Đường xâm lược nước ta ở thế kỷ thứ VII.

Vào đầu thế kỷ XX, khi nhân dân Đông Sơn đứng lên đấu tranh dưới ngọn cờ của Đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân Đông Minh cùng đồng lòng quật khởi vùng lên, đoàn kết đấu tranh giành chính quyền trong cuộc khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945 và tiến tới thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của xã năm 1948. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ xã, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Đông Minh đã toàn tâm toàn lực xây dựng đời sống mới, góp phần chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ tổ quốc cùng cả nước xây tượng đài chiến thắng vinh quang, thống nhất nước nhà, đi lên CNXH. Lịch sử Việt Nam mãi mãi còn ghi nhớ những người con của dân tộc đã anh dũng chiến đấu hi sinh bảo vệ tổ quốc, trong đó có những con người của Đông Minh đã hy sinh vì quê hương, đất nước.

* Những giá trị truyền thống lịch sử - văn hóa

Xã Đông Minh xưa có nhiều di tích lịch sử văn hóa. Có 5 đình làng; làng nào cũng có chùa nhiều nhất là ở MaoXá và một nhà thờ dạo Thiên Chúa. Xưa kia đình Mao Xá thờ thần Mao, chùa thờ Mẫu Và Phật. Đền làng Tuân Hóa thờ giắc Kim Công Trang, Đền Làng Vân Đô thờ Quận Công Trịnh Khải. Hiện nay hầu như các di tích kể trên chỉ còn trong ký ức cửa lớp người trung tuổi trở lên.

Di tích lịch sử duy nhất còn lại được xếp hạng là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh - đền thờ Thái úy An Quốc Công Trịnh Khắc Phục - hiện đã được tu bổ, tôn tạo vào năm 2014.

Từ những câu chuyện truyền miệng, từ việc thờ Thành Hoàng làng cho đến những điều còn ghi lại trong sử sách hay những sự kiện diễn ra trong gần một thế kỷ qua, có thể khẳng định người dân Đông Minh rất yêu làng xóm, quê hương, có tinh thần đấu tranh chống áp bức cường quyền, sẵn sàng hi sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Họ cần cù chịu thương chịu khó trọng tình nghĩa và hiếu học... Tất cả các yếu tố ấy đã tạo thành truyền thống cách mạng ở một vùng quê sống chủ yếu bằng nghề nông.

Những năm đầu thế kỷ thứ VII, nhân dân nới đây đã cùng với nhân dân nhiều huyện quanh vùng mà khu vực trung tâm là khu kinh đô gồm Đông Hòa, Đông Minh, Đông Ninh nổi dậy chống quân xâm lược nhà Đường. Cuộc nổi dậy của nhân dân Thanh Hóa nói chung và nhân dân Đông Minh bấy giờ nói riêng chứng tỏ sự quật khởi, lòng yêu nước, tinh thần chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta.

Trong phong trào Cần Vương, ngay trên mảnh đất, máu của người dân Đông Minh đã đổ xuống như tiếng thét sục sôi căn hờn, như ý chí không chịu cam nô lệ, như lời “Thề cùng giặc Pháp có mày không tao” của dân tộc ta. Tại làng Mao Xá có ông họ Đỗ tên Nghệnh giữ chức lãnh binh ở dinh Thanh Hóa đã dẫn đầu một đội quân về quê hương lập căn cứ chống Pháp. Thực dân Pháp bị nhiều phen khốn đốn.

Cũng ở thời gian này ở làng Vân Đô có cụ Đội Sơ (Trịnh Duy Sơ) giữ chức vụ đội trưởng trong dinh lãnh binhThanh Hóa thường xuyên liên hệ với ông Đốc Hiển (làng Viên Khê xã Đông Anh) vận động trai tráng trong làng trong vùng theo chiếu Cần Vương chống Pháp. Ngoài tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, nhân dân Đông Minh còn có tinh thần phản phong chống ách áp bức. Đầu thế kỷ XX quan trên sức cho lý trưởng các làng huy động người đi phu ở tỉnh lỵ. Lý trưởng làng Vân Đô ra sức bắt bớ dân làng. Không chịu sự áp bức, trai đinh trong làng đã họp bàn va đuổi đánh lý trưởng. Lý trưởng phải bỏ trốn. Từ đó dân làng mới bớt được gánh nặng phu phen...

Truyền thống yêu nước và cách mạng được hun đúc từ xa xưa đã được phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh. Suốt hai cuộc kháng chiến trường chinh của dân tộc, xã Đông Minh đã có nhiều lớp người con ưu tú sẵn sàng lên đường nhập ngũ hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho tổ quốc quyết sinh. Trong số đó có 89 anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống tại các chiến trường cho non sông tươi đẹp hôm nay đang bước vào công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Nhiều người là sỹ quan quân đội, giữ những trọng trách trong các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam. Anh hùng lực lượng vũ trang Đỗ Văn Chuyền là sự kết tinh những phẩm chất anh hùng đánh giặc cứu nước của nhân dân Đông Minh nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung trong sự nghiệp giành độc lập dân tộc.

Trong công cuộc kiến thiết đất nước, không ít người dân của Đông Minh đã học hành đỗ đạt giữ nhiều chức vụ to trong Đảng, công tác tại chính quyền các cấp. Có tất cả 4 tiến sỹ và hàng trăm người có trình độ thạc sỹ, đại học ...đang đóng góp trí tuệ mồ hôi công sức cho đất nước. Truyền thống cách mạng sẽ chắp cánh cho sự đi lên của Đảng bộ và nhân dân xã Đông Minh trong thế kỷ XXI.

Tháng 5/2015 Đảng bộ xã Đông Minh tổ chức thành công đại hội đại biểu lần thứ XXV. Đại hội đã đề ra các mục tiêu phương hướng sát đúng trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 đặc biệt là trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Thành công của đại hội một lần nữa đã thể hiện sự đoàn kết nhất trí một lòng của toàn thể nhân dân và Đảng viên trong Đảng bộ.

* Những phẩm chất tốt đẹp của con người Đông Minh

Cư dân Đông Minh sống khá gần nhau. Tuy sống gần nhau song mỗi làng đều có những phong tục, tập quán sinh hoạt, ngôn ngữ...khác nhau. Người làng Vân Đô đậm đà tình nghĩa làng xóm, chuộng lễ nghĩa, sống giữ mình, tiết kiệm. Người làng Tuân Hóa xuồng xã, xởi lởi, sống hết mình, lam lũ. Người Mao Xá tính cách mạnh mẽ, thẳng thắn.

Từ bao đời nay, nhân dân Đông Minh cần cù lao động, dãi dầu nắng mưa, chịu thương chịu khó làm lụng, thắt lưng buộc bụng để vượt đói nghèo. Nặng tình làng nghĩa xóm. Sống thủy chung, ân tình, hiếu học. Có tình thần đoàn kết để chống chọi với thiên nhiên, với giai cấp thống trị tàn bạo, với cường quyền ác bá và với kẻ thù ngoại bang. Cùng với lớp lớp thế hệ người Việt Nam trải qua trường kỳ lịch sử đã tạo lập, hun đúc và phát huy lòng yêu nước, tinh thần cách mạng để hôm nay, non sông, đất nước ta được sánh vai với các nước trên thế giới bước vào thiên niên kỷ mới.

 

(Tổng hợp nguồn tư liệu từ cuốn “Lịch sử Đảng Bộ xã Đông Minh giai đoạn 1948- 2000”, xuất bản năm 2004 )

Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
567333

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289