Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Xã Đông Minh  - Huyện Đông Sơn - Tỉnh Thanh Hóa

Bảo vệ người tố cáo

Đăng lúc: 00:00:00 08/05/2021 (GMT+7)
100%
Print

NỘI DUNG PHÁT THANH TUYÊN TRUYỀN VỀ PHÁP LUẬT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

 

BÀI 6

Thưa quý vị và các bạn! Trong các chương trình trước, chúng tôi đã giới thiệu về thẩm quyền và trình tự thủ tục giải quyết tố cáo. Hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu với các bạn những quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo và khen thưởng cá nhân có thành tích trong tố cáo. Mời quý vị và các bạn tiếp tục theo dõi.

 Bảo vệ người tố cáo.

Bảo vệ người tố cáo là trách nhiệm của nhà nước, nhằm khuyến khích, động viên người dân dũng cảm đấu tranh chống lại các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, giúp các cơ quan nhà nước phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Luật tố cáo đã dành một chương riêng quy định về bảo vệ người tố cáo tại các nơi cư trú, công tác, làm việc, học tập; nơi có tài sản cần được bảo vệ hoặc những nơi khác. Đối tượng bảo vệ gồm: người tố cáo và người thân thích của người tố cáo. Thời hạn bảo vệ do cơ quan có thẩm quyền quy định tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng vụ việc, mức độ, tính chất của hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng cần được bảo vệ (Điều 34).

1. Bảo vệ bí mật, thông tin về người tố cáo: cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận tố cáo, giải quyết tố cáo, khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp phải có trách nhiệm giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo; đồng thời áp dụng biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có biện pháp cần thiết để giữ bí mật thông tin và bảo vệ cho người tố cáo (Điều 36). Như vậy, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận thông tin về người tố cáo đều phải có trách nhiệm bảo đảm giữ bí mật các thông tin này, không kể người tố cáo có yêu cầu hay không.

2. Bảo vệ người tố cáo tại nơi công tác, làm việc: người tố cáo được bảo đảm vị trí công tác, không bị phân biệt đối xử về việc làm dưới mọi hình thức, không được trả thù, trù dập, đe dọa, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích  hợp pháp của người tố cáo. Khi người tố cáo có căn cứ cho rằng mình bị phân biệt đối xử về việc làm dẫn đến giảm thu nhập, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì có quyền yêu cầu người đã giải quyết tố cáo hoặc người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền quản lý, sử dụng mình có biện pháp xem xét, xử lý đối với người có hành vi đó; người tố cáo nếu là người làm việc theo hợp đồng lao động có quyền yêu cầu tổ chức công đoàn cơ sở, cơ quan quản lý lao động địa phương có biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khi nhận được yêu cầu của người tố cáo, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, nếu yêu cầu của người tố cáo là chính đáng thì áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền hoặc yêu cầu người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ theo quy định tại Điều 37 Luật tố cáo.

3. Bảo vệ người tố cáo tại nơi cư trú: Người tố cáo không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân tại nơi cư trú và trách nhiệm này thuộc về ủy ban nhân các cấp trong nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Khi người tố cáo cho rằng bị phân biệt đối xử trong thực hiện quyền, nghĩa vụ nơi cư trú thì có quyền yêu cầu người đã giải quyết tố cáo để người này cáo yêu cầu chủ tịch ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền có biện pháp bảo vệ, khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo đã bị xâm phạm, đồng thời xem xét, xử lý người có hành vi vi phạm. Khi nhận được yêu cầu của người giải quyết tố cáo về việc áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người tố cáo, chủ tịch ủy ban nhân có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, quyết định áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để bảo vệ Điều 38 Luật tố cáo.

4. Bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo: người giải quyết tố cáo khi nhận được thông tin người tố cáo bị đe dọa, trù dập thì có trách nhiệm chỉ đạo hoặc phối hợp với cơ quan công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền có biện pháp kịp thời ngăn chặn, bảo vệ người tố cáo và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi đe dọa, trù dập, trả thù người tố cáo. Khi người tố cáo có căn cứ cho rằng việc tố cáo có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình hoặc của người thân thích của mình thì có quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo hoặc cơ quan công an áp dụng biện háp bảo vệ cần thiết. Trường hợp đề nghị của người tố cáo là chính đáng thì người giải quyết tố cáo hoặc cơ quan công  an kịp thời áp dụng các biện pháp hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để bảo vệ đã được quy định của luật (Điều 39 Luật tố cáo). Việc quy định người tố cáo phải có văn bản yêu cầu bảo vệ chỉ áp dụng trong trường hợp có căn cứ cho rằng bị phân biệt đối xử về việc làm, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ công dân, hay nguy hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan xác định các biện pháp bảo vệ phù hợp, khả thi, bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo.

Khen thưởng người có thành tích trong việc tố cáo

Khen thưởng cá nhân có thành tích trong tố cáo nhằm khuyến khích động viên kịp thời những người có thành tích trong công tác giải quyết tố cáo, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, giúp các cơ quan nhà nước giải quyết, xử lý một cách chính xác, kịp thời các hành vi vi phạm, đồng thời cũng xác định rõ các biện pháp xử lý đối với những người lợi dụng quyền tố cáo để vu khống, xúc phạm người khác, gây cản trở cho hoạt động của các cơ quan nhà nước, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Luật Tố cáo quy định: cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc giải quyết tố cáo, người tố cáo có công trong việc ngăn ngừa thiệt hại cho nhà nước, tổ chức, cá nhân thì được khen thưởng về vật chất, tinh thần. Việc khen thưởng người có thành tích trong tố cáo hiện nay đang được thực hiện theo Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 3/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tố cáo.

DUYỆT PHÁT THANH

Yêu cầu cán bộ phụ trách đài truyền thanh xã phát bài tuyên truyền từ ngày 17/8/2020 đến 30/8/2020 vào các ngày thứ 3,5 hàng tuần

CHỦ TỊCH

 

 

Lê Trọng Trung

 

 

  
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
567333

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289